Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc ở TP.Thủ Đức, TPHCM có chủ trương đầu tư từ năm 1994 với quy mô 466 ha. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện tại chỉ còn khoảng 212 ha.
Trong đó, 180 ha được dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Dự án này từng là nơi được chọn để phục vụ SEA Games 31, gồm có 6 hạng mục được nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện, gồm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp, nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp và thi đấu futsal, sân đua xe đạp lòng chảo và đường đua xe môtô kết hợp sân bóng đá ngoài trời, sân vận động 50.000 chỗ có bố trí đường chạy điền kinh, học viện bóng đá, khu dịch vụ cho vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và khách mời…
Hiện tại, công tác lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của dự án đã hoàn thành. Nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND TPHCM phê duyệt. Việc lập đồ án quy hoạch đã trình Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM thẩm định. Tuy nhiên việc triển khai vẫn gặp một số vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành kéo theo cuộc sống bấp bênh của hàng trăm hộ dân. Để sinh sống, người dân chỉ được cất nhà tranh tạm bợ để trồng sen, nuôi cá kiếm thêm thu nhập trong hàng chục năm mòn mỏi chờ giải tỏa. Một số hộ dân khác trong khu vực dự án đào ao làm dịch vụ câu cá giải trí hoặc mở quán nhậu, nhưng lượng khách tới đây rất ít ỏi. Như vậy, sau gần 30 năm, công tác bồi thường vẫn chưa xong, dự án vẫn tiếp tục đóng băng.
Tại TPHCM, có hàng trăm dự án mang “án treo” như Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc. Bởi lâu nay, đền bù giải tỏa vẫn là bài toán khó, dễ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Trong khi đó, bồi thường trong đất nông nghiệp, Luật Đất đai hiện hành không quy định phương thức bồi thường bằng đất ở đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dù đây là phương thức mà hơn 20 năm trước, TPHCM đã triển khai thực hiện thành công tại nhiều dự án. Chẳng hạn, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị phát triển An Phú – An Khánh triển khai năm 1999, có tỷ lệ hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở đã hoàn thiện hạ tầng là 7 -11%, dự án Đông Thủ Thiêm có tỷ lệ hoán đổi là 10 -12%, hai dự án 174 ha và 143 ha tại TP.Thủ Đức triển khai năm 2003 – 2004 đều có tỷ lệ hoán đổi 10 – 13,5%…
Trước khi đưa ra các tỷ lệ hoán đổi nêu trên, nhà đầu tư đã có phương án đảm bảo tính khả thi của dự án, cân nhắc đảm bảo quyền lợi cho các bên và thực tế đã chứng minh cho vấn đề này. Chính sách này được thực hiện tại TPHCM hàng chục năm và vẫn có hiệu quả tốt, nhất là đảm bảo được khả năng sinh kế và chỗ ở cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2013 ra đời, vấn đề này không được quy định trong luật. Vì vậy, TPHCM buộc phải dừng thực hiện chính sách này cho đến nay. Điều này dẫn đến dự án chậm triển khai, kéo dài nhiều năm không thực hiện được do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Việc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM có dự thảo đề án thí điểm đổi đất nông nghiệp lấy đất ở chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình thu hồi mặt bằng, rút ngắn thời gian triển khai dự án. Khiếu kiện về đền bù giải tỏa là một trong những vấn đề nóng trong thời gian qua. Nếu đề xuất này sớm được thông qua với tỷ lệ hoán đổi phù hợp, người dân sẽ đồng thuận cao, tình trạng khiếu kiện cũng sẽ giảm đi.
Prime.net.vn
Môi Giới Bất Động Sản Chuyên Nghiệp
Vinhomes Grand Park – Tp. Thủ Đức
Hotline: 089.9495.135
Email: info@bds360.net
Website: https://bds360.net